Phân tích phim "Cuốc xe đêm" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên


Cuốc xe đêm

Người viết: Hoàng Hương

Phim “Cuốc xe đêm” là phim được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đổ mồ hôi, tâm huyết, sự cầu toàn của mình trong tác phẩm. Chính sự cố gắng của mình, bộ phim “Cuốc xe đêm” được sản xuất năm 2000 đó, đã đoạt giải ba ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại LHP Cannes năm 2001.

Phim kể về một anh chàng người Hà Tĩnh chất phác, hiền lành lên thành phố chập chững với nghề đạp xích lô. Bỗng một ngày anh ta phải chở một chuyến hàng kỳ lạ và đáng sợ. Bần phải chở một bà già đang cận kề giữa sự sống với cái chết đến bệnh viện. Trong quá trình chở bà cụ đi đến bệnh viện, anh đã trải qua nhiều sự cố khiến anh vỡ lẽ ra con người thật của chính mình.

Về kịch bản của bộ phim, nội dung của phim

Bộ phim được kể theo trình tự thời gian tuyến tính, lấy bối cảnh vào ban đêm. Bộ phim phản ánh hiện thực của xã hội, một góc khuất trong mỗi người được hiện hữu và thể hiện được rằng trong mỗi người luôn có 2 mặt mặt xấu, và mặt tốt, phần thiện và phần ác. Bên cạnh đó, bộ phim phân biệt rõ sự đối lập giữa hai tầng lớp giàu và nghèo, sự lạnh lùng, vô tâm đối lập với phần lương thiện ẩn chứa bên trong mỗi người. Đồng thời, mang lại những thông điệp ý nghĩa thức tỉnh con người sống lương thiện hơn, hãy là chính mình, đừng làm nô lệ cho đồng tiền.

Bản chất của con người được bộc lộ thông qua đồng tiền. 

Kịch bản của bộ phim được xây dựng theo góc nhìn của nhân vật Bần, nên xuyên suốt câu chuyện được kể theo hành trình của Bần. Ngay về cái tên Bần cũng đủ cho ta thấy sự nghèo khổ, đói khát bao trùm lên nhân vật. Bộ phim có ba phần rõ ràng thể hiện những thay đổi, tâm trạng, cảm xúc của nhân vật khi gặp những tình huống, thử thách, những cám dỗ buộc phải vượt qua. Phần 1 là Bần nhận lời chở bà cụ đến bệnh viện, phần 2 là Bần quên đường và hành trình vượt qua khó khăn, thử thách, Phần 3 Bần thay đổi suy nghĩ, Bần chở bà lão đi bệnh viện và anh cũng nhận ra điều mình muốn thay vì điều mình cần. 

Bần mang đặc điểm của người miền Trung chất phác, hiền lành, vì đồng tiền mà phải lên Hà Nội mưu sinh. Mở đầu bộ phim hiện lên là bức tranh đời sống tái hiện góc khuất của những con người trong bóng tối, nó thể hiện được sự ma mị, đen tối, sự mệt mỏi của những người mưu sinh tại nơi đất khách quê người. Bần xuất hiện với những sự trằn trọc, mệt mỏi thì một người đàn ông đeo kính, thuộc tầng lớp giàu có đến và cho cậu một “cuốc xe đêm”. Nếu như Bần vì tiền mà đánh đổi cả giấc ngủ, sự nghỉ ngơi thì người đàn ông giàu có lại sử dụng đồng tiền để làm chuyện “giũ bỏ trách nhiệm” với bà cụ làm giúp việc đã làm cho nhà mình khi bà đang trong trạng thái “bất tỉnh”. Sự ngây ngô, thật thà của cậu lái xích lô chính là mục tiêu để hắn ta lựa chọn chứ không phải là những người lái xích lô lão làng, nhiều kinh nghiệm. Điều này cho thấy, kẻ giầu vẫn vốn khôn ngoan trong từng hành động, trong từng mục đích. Dù Bần băn khoăn rằng anh chưa thuộc đường, thì hắn vẫn đồng ý và dẫn Bần đến để thực hiện ý đồ của mình. Sự vô tâm của người giàu, sự khôn ngoan của kẻ giàu đó là sẵn sàng mang người từng là “giúp việc” chung sống chăm sóc anh ta bao nhiêu năm ra để chối bỏ trách nhiệm, ẩn giấu một điều gì đó sai trái để đẩy bà lão đi một cách lạnh lùng, thờ ơ. 

Đồng tiền mà ông chủ chuẩn bị cho Bần được thứ ánh sáng đỏ từ bàn thờ chiếu vào như phản ánh đồng tiền đầy máu tanh, ẩn dụ về đồng tiền không trong sạch.

Trái ngược với sự vô tâm đó, với Bần dù anh chỉ mới lần đầu gặp bà cụ nhưng bản chất anh không phải người xấu, lúc đầu anh còn ngại ngần, sợ hãi, và không định chở bà lão đến bệnh viện. Thế nhưng, sau khi ông chủ giàu có cho thêm rất nhiều tiền, anh đã quyết định chở chuyến xe này, đánh đổi cả sự sợ hãi ẩn chứa trong lòng của anh. Trong cuốc xe đêm đó không chỉ có Bần mà có cả những người làm nghề chở rác, những tên trộm, những lái xe xích lô khác,…những người thuộc tầng lớp lao động họ vẫn phải làm cả ban đêm, tất cả là vì đồng tiền. Đồng tiền làm mờ mắt Bần, Bần phản ánh con người trong xã hội, đó là rất nhiều người đang chạy theo đồng tiền mà đánh mất chính bản thân mình. Bần định bỏ rơi bà lão ở vệ đường khi anh bị một đám người đánh và cướp giữa đường. Sau khi chạy trốn, Bần mới phát hiện ra mình đang bị mất tiền. Điều thôi thúc anh quay trở lại đó là đồng tiền, sau khi được bà lão nắm tay lại chỉ về phía đồng tiền Bần mới thức tỉnh lòng trắc ẩn của mình trỗi dậy. Hình ảnh đồng tiền được chiếu sáng bằng ánh sáng trắng như nói lên đây là đồng tiền xứng đáng mà Bần nhận được. Và từ lúc Bần cầm đồng tiền đó lên, ta mới thấy được những thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của nhân vật về một cuộc sống có quá nhiều những nguy hiểm trên thành thị và đặc biệt là tình cảm của Bần dành cho bà cụ khi được bà cụ chỉ đường và giữ lại tiền cho khi bị cướp xe. 

Những tên cướp xe đó, họ cũng đang bị đồng tiền chi phối mà sẵn sàng làm chuyện tội lỗi, đánh Bần đổ máu. Khi Bần nằm xuống, máu chảy, tác giả đã cắt cảnh, dù không giải thích tại sao kẻ cướp bỏ chạy, nhưng trong tôi nghĩ đó là những tên cướp đang sợ hãi “ánh sáng”, bởi chúng làm việc xấu xa, thì lòng chúng sẽ luôn bất an, và khi bà cụ động đậy, dù không rõ bà là ma hay là người nhưng kẻ làm chuyện xấu xa sẽ luôn sợ gặp quả báo, sợ thần linh và chúng chạy trốn.

Đối với Bần, tình cảm của anh dành cho bà cụ lúc đó giống như sự báo đáp và tình cảm đó được chuyển hóa và có sự thay đổi theo chiều tăng tiến khi ban đầu nhân vật Bần có ý định để lại xác của bà cụ bên vệ đường một mình nhưng rồi anh lại quyết định sẽ lập bàn thờ và thắp hương cẩn thận cho bà dù anh và bà lão chỉ là hai người xa lạ lần đầu gặp gỡ. 

Sự đối lập trong phim

Trong phim có rất nhiều sự đối lập. Đó là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, đối lập giữa đồng tiền trên tay ông chủ cầm (có màu đỏ của bàn thờ chiều vào khiến ta cảm giác đồng tiền từ bàn tay đầy máu tanh), và đồng tiền mà Bần được bà lão chỉ chỗ cho (đồng tiền đầy ánh sáng trắng gợi đồng tiền hướng đến điều tốt đẹp) (chi tiền đồng tiền đã phân tích ở đoạn trên). Ngoài ra đó còn là sự đối lập giữa sự vô tâm của người thuê Bần chở bà lão đi bệnh viện đã chối bỏ trách nhiệm trong khi bà lão đã giúp việc cho ông ta mấy chục năm, là sự vô tâm của người dân khi buông ra câu nói “thân mình còn chưa lo xong còn lo cho người khác”, sự vô tâm của người bắt chuột khi Bần hỏi bệnh viên ở đâu hắn không trả lời mà chỉ bỏ đi, hay đó là sự vô tâm của những tên cướp sẵn sàng cướp những gì từ mồ hôi nước mắt của người khác. Đối lập với sự vô tâm đó, là Bần, là bà lão họ là hai người duy nhất có được nhiều cảnh được chiếu ánh sáng vào, họ mang trong mình sự lương thiện, Bần đã thay đổi khi bà lão là người đã chìa ngón tay về phía đồng tiền, và bà lão khiến bọn cướp sợ hãi bỏ chạy để Bần giữ lại được chiếc xe. Bần từ đó báo đáp công lao của bà lão bằng cách sẽ lập bàn thờ cho bà, rồi anh tìm cách để chở bà đến bệnh viện.

Ngoài ra, đó là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng là đại diện cho hy vọng, cho sự trong sạch, cho cái thiện, còn bóng tối đại diện cho cái xấu, cho sự u ám, ma mị. Trong bộ phim khung cảnh chật chội, tối tăm, mệt mỏi chỉ có vài ánh sáng mờ nhạt hiu hắt chiếu vào những người lái xe xích lô. Rồi khi ông chủ nhà giàu thuê Bần chở bà cụ cũng được xuất hiện ở bóng tối mang nghĩa ẩn dụ là hai người họ đang làm chuyện mờ ám. Tiếp đến là khi Bần đi vào nhà của ông chủ, nếu bạn để ý thì đó là con đường tối tăm, như dự báo về điều không hay sắp xảy đến, Bần đi từ ánh sáng đến bóng tối, rồi lại ánh sáng đến bóng tối (hình ảnh này được lặp đi lặp lại nhiều lần) phản chiếu rằng con người hiền lành, chân chất của Bần sắp bị thay đổi và cũng dự báo những điều không hề tốt đẹp sắp xảy đến. và khi Bần chở bà cụ đi bệnh viện, suốt hành trình đó, đa số là ánh sáng tối. 

Cảnh Bần chở bà cụ đi bệnh viện

Đoạn cướp cũng bam trùm bóng tối. 

Hình ảnh bọn cướp lấy được xe xích lô

Nhưng những đoạn được ánh sáng chiếu vào đó là đoạn Bần và ông chủ vào phòng bà lão, đoạn bà lão ngã xuống vệ đường và đưa tay chỉ tiền cho Bần, đoạn cuối phim Bần và bà lão đi trên đường thì đó lại là ánh sáng. Điều này minh chứng rằng Bần và bà lão được ánh sáng soi đường chỉ lối thể hiện bản chất họ không phải là người xấu.

Màu sắc trong phim mang những nét ẩn dụ

Có ba màu sắc chủ đạo trong phim đó là màu trắng, màu đen và màu đỏ. Có thể trong phim những con người lao động họ có mặc áo màu, nhưng vì bối cảnh của bộ phim là “ban đêm”, nên gần như màu sắc trong phim chỉ là sự đan xen như trắng và đen và đỏ. Ngay từ mở đầu phim, máy quay lướt qua những chiếc xe xích lô được phủ bên trên là chiếc màn trắng, thể hiện được những người xích lô đã chìm trong giấc ngủ. 

Ngay từ đầu bộ phim toàn bộ khung hình, hình ảnh đều là màu trắng. Bần xuất hiện trong bóng tối, đến mức không nhìn rõ mặt, rõ xe, anh vắt trên vai chiếc khăn trắng. 


Bần đi qua những chiếc xe xích lô nằm ở vệ đường và tất cả chiếc xe được phủ trắng bởi chiếc khăn. Hình ảnh chiếc xích lô được phủ kín bởi chiếc màn thể hiện sự ma mị, nổi bật lên màu đỏ, khiến tôi có cảm giác màu đỏ đó như màu máu của người vậy, cảm giác một cái gì đó thật sự ám ảnh. 

Đến đoạn Bần cùng ông chủ vào nhà ông chủ thì toàn bộ màu đỏ của bàn thờ chiếm toàn bộ khung hình. Màu đỏ còn xuất hiện ở đoạn Bần bị đánh chảy máu đầu, màu đỏ khi Bần lập bàn thờ thắp hương cho bà cụ.

Tất cả màu sắc trắng, đen, đỏ như tượng trương cho sự chết chóc, ma mị, máu tanh phù hợp với phim kinh dị, tạo cảm xúc đáng sợ cho người xem.

Âm thanh ma quái, những tiếng ẩn dụ

Đầu phim là tiếng đài thông báo người chết “Một bà cụ khoảng 70 tuổi nằm bất tỉnh được đưa đến bệnh viện…”

Tiếng gõ mõ trong đám tang khi bà cụ bắt đầu đưa tay vào chiếc bánh xe xích lô.

Tiếng chim lợn xuất hiện ở phút thứ 13 đoạn những tên trộm bỏ chạy 

Tiếng xe cấp cứu

Tiếng mưa gọt rửa mọi những điều xấu xa ở cuối phim khi Bần thức tỉnh và trả ơn bà cụ bằng cách sẽ lập bàn thờ cho bà, nhất định sẽ tìm ra bệnh viện đưa bà đến bệnh viện. 

Tất cả đã mang đến không gian kinh dị, âm thanh lúc đầu nhanh và dồn dập nhưng khi kết thúc nhạc chậm khiến người xem cảm thấy có chút da diết, thương cảm, và day dứt.

Cảnh quay của phim

Phim đa dạng góc quay, có cảnh trung, toàn, cận. Bộ phim đa số là cảnh trung, và cận từ ngực lên đầu. Điều này sẽ khắc họa rõ nét hơn cảm xúc của nhân vật, đồng thời quay được cánh tay, hành động của nhân vật. Như hình ảnh Bần bối rối, rụt rè, được quay từ ngực đến đầu, ánh mắt nhìn lên, rồi tay anh gãi đầu thể hiện được tích cách của nhân vật. Cách quay tinh tế, cẩn thận, cảm xúc.

Cảnh quay con ngõ, bức tường cho ta cảm thấy được độ sâu, độ dài, độ phức tạp.

Khi quay đối thoại giữa các nhân vật thể hiện được cả tích cách, giai cấp xã hội. Ví dụ như đoạn ông chủ nói chuyện với Bần.

Bần ngồi xích lô phải ngước mắt lên nhìn ông chủ

Ông chủ đứng nhìn xuống Bần

Và ở Bần lúc nào cũng đi theo sau ông chủ. Điều này thể hiện được sự phân biệt tầng lớp giàu, nghèo trong xã hội, thể hiện được tích cách của hai nhân vật có sự đối lập.

Tôi còn ấn tượng với cách quay khi Bần đang nằm trên chiếc xích lô ở đầu phim. Quay phim Lý Thái Dũng đã chỉ quay đôi bàn chân, việc quay đôi bàn chân như thế chỉ xuất hiện khi quay người chết, điều này cho thấy được một dự báo chẳng lành đối với nhân vật. Cảnh quay tạo được sự sợ hãi, rùng mình cho người xem.

Cảnh quay bàn chân Bần

Diễn xuất trong phim

Vai ông chủ giàu có thuê Bần chở bà lão là NSƯT Duy Hậu (người rất nổi tiếng với vai người cha độc ác trong phim Sóng ở đáy sông và ông Hàm có cái tăm to như cái dùi trong Đất và Người) thủ vai. Ông rất tâm đắc với vai diễn của mình. Có lần, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng hỏi NSƯT Duy Hậu rằng vai diễn ưng ý nhất trong đời ông là gì, ông nói, ngoài Iago trong Othello ra, ông chỉ ưng nhất có vai lão già trong Cuốc xe đêm. Thật vậy, ngay cả chính người diễn cũng cảm thấy hài lòng, vậy hà cớ gì tôi không dành cho bộ phim một lời khen về diễn xuất.

Từng cử chỉ, biểu cảm trên khuôn mặt đều hợp lí và diễn xuất khá tốt. Tôi cảm nhận được sự quan sát cực kỳ tỉ mỉ. Từ hành động gãi đầu, ngồi lúm ro nhìn lên, đôi mắt ngây thơ, nụ cười ngượng của Bần và đặc biệt là giọng nói Hà Tĩnh tất cả đã khắc họa thành công nhân vật Bần là dân tỉnh lẻ mới lên thành phố mưu sinh, và bản chất của Bần rụt rè, hiền lành, chất phác. Ngược lại với ông chủ, ông luôn thẳng lưng, đi trước Bần, khuôn mặt lạnh lùng ngay cả khi bà giúp việc bị bệnh. Bà cụ cũng làm tốt vai trò của mình khi chính bà khiến phim có cảm xúc đáng sợ, kinh dị cho người xem.

Các chi tiết ấn tượng

Trong bộ phim chi tiết mà tôi ấn tượng nhất có lẽ là chi tiết chỉ đường, bàn tay bà cụ và chi tiết mưa rơi, chi tiết đồng tiền (chi tiết này có phân tích ở đoạn nội dung), chi tiết đài báo tìn nhắn tìm người thân.

Đài báo tin “Nhắn tin. Một bà già bất tỉnh trên hè phố được đưa vào bệnh viên cấp cứu. Bà già khoảng 70 tuổi, mặc áo nâu, quần đen, mang theo tay nải màu xanh. Ai là người nhà của bệnh nhân, đến bệnh viện E để làm thủ tục nhận người thân”, được lặp đi lặp lại hai lần vào đầu phim và cuối phim như nhấn mạnh rằng, con người làm thuê cơ cực đến cả lúc hấp hối họ cũng không có muốn chăm sóc họ. Ngoài ra, đoạn tin báo cũng mang cho tôi luồng suy nghĩ đó là sự vô trách nhiệm của con cái, của người thân, họ không muốn chi tiền cho người già, họ ích kỷ. Và đây chính là thái độ sống tồn tại ở của nhiều người trong xã hội.

Chi tiết chỉ đường xuất hiện khi ông chủ dán giấy để chỉ đường cho Bần đi vào nhà mình để chở bà lão đi bệnh viện. Đến khi Bần bị cướp, bọn cướp đã bỏ chạy, Bần định lấy chiếc xe và bỏ mặc bà lão ở vệ đường. Tuy nhiên, vì số tiền bị mất mà Bần quay lại tìm tiền và Bần đã thấy bàn tay bà lão “chỉ đường” về số tiền để giúp Bần tìm lại được số tiền. Từ đây, tôi cảm nhận được sự đặc biệt, ẩn dụ mang tính nghệ thuật cao. Chỉ đường chính là chỉ đi về sự đúng đắn, không còn sai trái, lầm lỗi nữa. 

Với chi tiết mưa rơi nó xuất hiện ở cuối phim. Đoạn đầu phim, Bần đi từ ánh sáng vào bóng tối, anh như đang làm chuyện sai trái và Bần ở thời điểm đó thật sự chỉ vì đồng tiền mới chở bà lão đi, vì đồng tiền mà thực hiện lời dặn của ông chủ thuê anh rằng “nếu ai hỏi thì hãy nói thấy bà lão câm ở vệ đường nên chở đến bệnh viên”. Nhưng khi mưa rơi xuống, tiếng mưa tí tách trên mặt đường, mưa như gọt rửa tất cả những tội lỗi, tất cả những ý nghĩ xấu trong Bần, tính ích kỷ, chạy theo đồng tiền trước cuộc sống mưu sinh, để trả lại con người tốt đẹp, bản chất hiền lành, chất phác trong con người Bần – một thanh niên người Hà Tĩnh.

Cái kết mở đầy bí ẩn mang lại cảm giác tò mò của người xem

Tôi đã hỏi những người đã xem phim, và mỗi người lại có một cách hiểu khác nhau về cái kết. Người thì cho rằng, tất cả câu chuyện trên là do Bần đang ngủ mơ, mơ và thực, thực và mơ lẫn lộn. Có người lại cho rằng, Bần và bà lão phi nhanh trong mưa và họ đã chết. Có người thì cho rằng, bà lão chưa chết và đã đưa đến bệnh viện,…Đây thật sự là kết mở của bộ phim và tôi cũng thích cái kết phim như vậy. Kết phim khiến cho người xem phải bàn tán xôn xao, tư duy nhiều hơn. Với tôi thì muốn nghĩ một cái kết tích cực. Chiếc xe không người phi đi ở cuối phim theo tôi đó là do Bần bỏ mặc cả chiếc xe, bỏ mặc cả công việc để đưa bà lão vào bệnh viện. Chiếc xe đi đường dốc và phi xuống, bị chặn lại bởi cái cột. Màn hình tối đen, tiếng đài thông báo “Nhắn tin. Một bà già bất tỉnh trên hè phố được đưa vào bệnh viên cấp cứu. Bà già khoảng 70 tuổi, mặc áo nâu, quần đen, mang theo tay nải màu xanh. Ai là người nhà của bệnh nhân, đến bệnh viện E để làm thủ tục nhận người thân”. “Bất tỉnh” là từ để chỉ một người đang hôn mê, vì vậy có thể là bà cụ chưa chết và Bần sau khi đưa bà vào bệnh viện anh trở lại với công việc của mình.

Tất cả từ kịch bản, diễn xuất, cảnh quay, bối cảnh, khung hình, nhân vật, ánh sáng, màu sắc,…trong phim chúng kết hợp với nhau để tạo lên một bộ phim đáng xem. Khi xem xong bộ phim này, tôi nhớ lại bộ phim cũng vừa được giải Cannes vào tháng 6 – 2019, đó là phim Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Jooh Ho. Hai bộ phim đều có điểm chung là nói về sự đối lập giữa hai tầng lớp giàu và nghèo, con người vì đồng tiền mà đánh mất chính bản thân mình, và họ đều sử dụng chi tiết “mưa”. Hình ảnh sâu, trắc trở, phức tạp của đường hầm tôi lại liên tưởng đến hình ảnh sâu của những bức tường, ngõ ngách khi Bần vào nhà ông chủ để đưa bà lão đi bệnh viện. Đối với phim Việt Nam, khi xem xong phim “Cuốc xe đêm” tôi lại nhớ đến phim “14h30”, bộ phim nói về cuộc tranh đuổi của lũ trẻ đi bán vé số để mưu sinh, bộ phim cũng nói đến một góc mưu sinh của xã hội Việt Nam, con người vì đồng tiền mà ích kỷ, ghen đua, nhưng cũng nói đến sự khổ cực, khó khăn của họ. Phim 14h30, và Cuốc xe đêm đều nói về những con người nghèo trong xã hội, phản ánh hiện thực, và đều sử dụng con đường, góc ngách của thành phố để lột tả lên sự mưu sinh của nhân vật. Ngoài ra, những thước phim đẹp, màu sắc, ánh sáng chỉnh chu tôi lại nhớ đến vị đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu, nếu bạn để ý thì hầu hết phim của ông đều sử dụng màu sắc đỏ trong phim. Đối với chủ đề của phim nói về những người đạp xích lô tôi lại nhớ đến phim “Xích Lô” của đạo diễn Trần Anh Hùng cũng vạch trần xã hội, lột tả sự trần trụi bên trong mà ít phim nào dám đứng lên tiếng, cũng nói lên rằng con người thai hóa, dần trở thành nô lệ của đồng tiền, vì đồng tiền sẵn sàng làm theo kẻ bề trên.

Phim không hề khó hiểu mà thật sự gần gũi, phù hợp với cả những người yêu nghệ thuật hay những người thích xem dòng phim thương mại. Đồng thời phim như thức tỉnh mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm hơn, sống tình cảm, đừng bị sự khó khăn, vì khổ quá mà đạp lương tâm của bản thân để với lấy đồng tiền tội lội. 

>>> Xem thêm bài viết

Cách thi vào ngành Biên tập truyền hình trường Đại Học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đề thi chung tuyển vào biên kịch năm 2019 ngành biên kịch điện ảnh

QUY TRÌNH THI NĂNG KHIẾU TẤT CẢ CÁC NGÀNH TRƯỜNG SKDA